Art by Lucy Campbell
Nếu có thể kể tên kẻ thù số một của sáng tạo – đó là sự kháng cự chần chừ.
Nếu có thể kể tên kẻ thù phổ biến nhất của mọi tiến bộ – đó là sự kháng cự chần chừ.
Sự kháng cự chần chừ có muôn hình vạn trạng, nguỵ trang dưới mọi vỏ bọc có thể nguỵ trang được.
Như là những ý nghĩ:
– mình không làm được đâu
– mình không xứng đáng
– việc mình làm sẽ chẳng đi đến đâu…
– sẽ khổng ai quan tâm tới những gì mình sáng tạo
Cơ thể và não bộ của con người vốn dĩ rất thông minh. Nó cứ nghĩ ra đủ mọi cách để giữ ta trong một vòng an toàn nhất định. Dù vòng an toàn đó đầy đau khổ vật vã và chán chường, nhưng ít nhất, vì ta biết nó luôn ở đó, nó quen thuộc và an toàn. An toàn theo nghĩa là nó quen thuộc. Mình biết nó là gì. Còn vùng mình không biết, dù có tốt đến đâu và có hay ho đến đâu, dù mình muốn đến đó đến đâu thì não cũng sẽ tìm mọi cách ngăn chặn bạn bởi 1 lý do đơn giản. Nó không biết vùng đó là gì và nó ko an toàn – nó kháng cự, và trì hoãn.
Đơn giản như thử 1 quán cafe mới thay vì chỗ cũ bạn thường đi.
Mặc một bộ quần áo thật sự khác biệt với những gì bạn hay mặc thường ngày.
Thoa một màu son mới nổi bật.
Bác Steven Pressfield đã nói rằng việc gì càng giúp cho sự tiến hoá của bạn thì bạn lại càng trì hoãn nó. Nghe lạ ghê không? bạn cứ nghĩ mình sẽ rất chào đón sự tiến bộ ư? Không hẳn thế đâu. Hiểu được điều này rất quan trọng trong sự phát triển cá nhân của bạn.
Điều thứ 2 Steven nói cũng quan trọng không kém. Sự kháng cự trì hoãn như một giọng nói thì thầm (hay gào thét) từ khoảng không, không phải giọng nói của bạn đâu. Nên ai cũng nghe nó cả. Từ người chuyên nghiệp đến nghiệp dư. Từ người đã thành công đến người mới khởi nghiệp. Sự khác biệt chỉ là giữa những người nghe thấy và lờ nó đi. Và những người nghe thấy và nghe theo, hành động theo nó.
Đó là sự khác biệt lớn nhất giữa người vẫn tiếp tục kiên trì theo đuổi mục tiêu hay đam mê cho đến khi thành công và người dễ dàng bỏ cuộc. Ai nghe theo giọng nói mê mị của sự kháng cự trì hoãn?
Nên bất cứ khi nào bạn định làm điều gì đó mới. Sẽ xuất hiện những nghi ngờ, lo ngại, bấp bênh và cả những việc xảy ra với cơ thể ta hay môi trường xung quanh ta cảm thấy đang cố níu kéo ta lại vòng tròn an toàn đã biết.
Chúng ta càng có xu hướng trì hoãn khi việc càng quan trọng.
==Vượt qua trì hoãn==
Nếu bạn vẫn đang luyện tập quan sát những suy nghĩ và cảm xúc của bản thân. Tách chúng ra với con người bạn đang là. Thì bạn sẽ có cơ hội thoát khỏi sự khéo léo ma mị của trì hoãn. Không có nghĩa bạn không nghe giọng nói của trì hoãn nữa. Mà bạn nhận diện được nó. Và lờ đi. Và lại nghe, lại nhận diện.
Sự trì hoãn sẽ không còn sức mạnh ảnh hưởng đến bạn nữa.
Và bạn sẽ vẫn trên con đường thực hiện điều bạn muốn làm mà không cần quá bận tâm tới những điệp khúc cũ rích chán ngắt hay những lời càm ràm khuyên răn mệt mỏi.
Điều này không có nghĩa là ta lờ đi mọi sự cẩn trọng, mọi sự suy nghĩ. Nhưng chúng ta cần nhận diện, đánh giá và lờ đi những suy nghĩ không cần thiết.
Bạn vẫn có thể cẩn trọng mà không đánh mất đi cơ hội của mình.
Cách tốt nhất để biết vẫn là hãy thử.
Xỏ giày vào và chạy đi!
Chạy trong một thời gian rồi xem xét kết quả.
Thay vì ngồi ở nhà than thở về sức khoẻ kém và chẳng làm gì. Mỗi lần chạy có thể bạn vẫn sẽ nghe thấy giọng nói trì hoãn ở trong đầu:
– Chẳng ích gì đâu
– hôm nay trời mưa mà
– mình không đủ sức,
– không đủ kiên trì
– trước kia mình cũng chạy rồi và cũng bỏ cuộc đấy thôi
Mặc kệ những giọng nói ấy bạn cứ mang giày và đi thôi!
Nếu sau 3 tháng, bạn không cảm thấy việc chạy giúp ích gì cho bạn cả. Kết quả được chứng minh. Thì hãy tìm việc gì khác để vận động. chớ không phải từ bỏ việc vận động và chăm sóc sức khoẻ bản thân.
Yên tâm là bạn chẳng phí gì trong 3 tháng cả. Dù bạn có quyết định không thích chạy bộ, thì tôi chắc chắn bạn sẽ vẫn nhận được rất nhiều lợi ích trong việc rèn luyện tâm trí và bỏ qua giọng nói của sự trì hoãn. Đây sẽ là công cụ rất cần thiết cho bạn làm mọi việc khác. Bạn cũng đã có thói quen vận động cơ thể. Chỉ việc tìm một môn thể thao khác phù hợp hơn với bạn mà thôi.
Cứ chọn một việc và cam kết dành thời gian cho nó hàng ngày, trong một khoảng thời gian nhất định. Hãy mang cả cơ thể và từng tế bào vào việc quyết định cái gì là tốt cho bạn nhất, hay đâu là việc bạn muốn làm. Không chỉ để trí não quyết định. Cơ thể bạn có trí thông minh riêng. Và chỉ có hành động mới dẫn đến kết quả. Suy nghĩ dù thấu đáo đến cỡ nào mà không làm gì thì cũng chỉ là những ý tưởng bay vơ vẩn trong không trung. Sẽ không thành việc gì cả. Nếu quyết định của bạn dựa trên những thứ bay vơ vẩn trong không trung như thế cũng sẽ không được vững chãi chắc chắn.
Hãy hành động!
01.08.2023