Art by Lucy Campbell
Mấy đứa nhỏ vừa đập đập cửa phòng tắm vừa nói,
– chị đừng giận tụi em nữa, tụi em ko tranh nhau nữa.
Tụi nhỏ càng nói thì bên trong mình khóc càng to hơn, cảm thấy bất lực không thể cứu vãn được.
Hồi đó, ở trung tâm, các em đông hơn, và lớn hơn, nên bắt đầu tách ra hai khu nam-nữ riêng nhau.
Tụi mình thiệt không quen với chuyện này. Cả mình lẫn mấy đứa nhỏ.
Ngày xưa chỉ có tầm hơn 30 em nhỏ xíu, tất cả tập trung ở một nhà. Mình vào là cả đám tíu tít chơi chung rất dễ, rất vui.
Bây giờ phân hai khu; mình vào luôn bị cảnh này, các bé nam thì kéo sang khu nam, các bé nữ thì kéo sang khu nữ.
Cho đến ngày hôm đó, mình chịu hết nổi khi tụi nhỏ bắt đầu cãi nhau. Ko phải mình giận tức gì các em cả, nhỏ xíu đứa nào cũng muốn có bạn chơi, có người ở ngoài vào thăm. Mà vì mình cảm thấy quá bất lực. Mình chỉ có một mình mình, tụi nhỏ giờ hơn bốn chục em, hầu như em nào cũng muốn sự quan tâm cả, một tuần mình cũng chỉ qua thăm được một lần thôi, đường quá xa xôi mà mình thì còn bận đi làm, đi học.
Bao nhiêu thương nhớ tụi nhỏ cả tuần giờ chuyển thành một áp lực: đến sẽ vào khu nào? Nam hay nữ?
Mình vẫn nhớ nỗi ám ảnh của mình, khi nhìn cảnh các em đu lên song cửa sắt mỗi chiều chủ nhật, nhìn ra ngoài, đối diện là một nhà thờ đông đúc cha mẹ chở con cái đến dự lễ, giương đôi mắt to tròn đen buồn bã hỏi mình:
– tại sao tụi e ko được ra ngoài?
– tại sao ba mẹ em bỏ em?
– tại sao ko có ai vào thăm tụi em?
Bao nhiêu tức nghẹn trong lòng ngực mình, bao nhiêu quặn thắt dồn nén đã bộc ra hết trong nhà tắm của các em lần đó.
Mình hết chịu nổi. Mình ko chịu nổi những ánh mắt đó, những câu hỏi đó. Hàng tuần.
Hôm đó nhân tiện khóc một trận thật đã. Xong ra ráo hoảnh, tụi em đừng tranh nhau nữa, chị khóc nữa đấy!
Cả đám nín re được mấy phút rồi lại quên, đùa nghịch tưng bừng như cũ.
Nếu có một điều gì đó đã cứu rỗi thanh xuân của mình, thì chắc là đám nhóc này!
Dù mọi người vẫn hay bảo mình thật tốt khi quan tâm đến lũ trẻ, nhưng ko phải.
Mình đã ko đi giải thích với từng người rằng:
– ko phải đâu, tụi nhỏ đã cứu em. Anh/chị thấy đấy! Em bị khùng mà! Em cảm thấy cuộc đời em thật vô nghĩa khi em chỉ mới mười mấy tuổi. Em cảm thấy cuộc đời bất công khi em ko được cao/đẹp/giỏi/quyến rũ/thành đạt như các diễn viên/người mẫu mà e đã thấy khi đi làm thêm. Em than vãn khi em có mọi thứ: một bạn trai rất tốt, một trường học có giá (hồi đó), một gia đình yêu thương em, một tương lai chờ đón em. Em đau khổ vật vã và chỉ muốn chết vì cảm thấy mình vô giá trị.
Và khi em đến đây, mỗi tuần một lần, e thấy một bức tranh khác.
– Em thấy mình rất có giá trị khi đã dành dụm được 80k mua 40 cây cá viên chiên/bò lá lốt nướng cho tụi nhỏ ăn và tụi em rất háo hức, hạnh phúc chờ cá chín.
em thấy một mình em có quá nhiều người thương, trong khi mấy em nhỏ ở đây, thật đông và ngày càng đông hơn, thì chẳng có mấy người thăm hỏi.
Em thấy những em bé sơ sinh mấy tháng tuổi cứ giơ hai bàn tay nhỏ xíu ra phía trước đòi người ôm, bất cứ ai.. ko chọn lựa, ko phân biệt, chỉ cần có người ôm.
Ở đây em được chơi những trò hồi thơ trẻ, nắm tay các em đi dạo chờ máy bay ngang qua, rón rén cầm lồng đèn trung thu đi thật nhẹ kẻo bị cháy mất, từng bừng phun tuyết đón ông già noel,
Mỗi buổi Chiều, hàng tuần, hàng tháng, trong nhiều năm, mình lại nương náu ở chỗ này, đùa nghịch cùng tụi nhỏ, để những vết thương của mình được từ từ lành lặn.
Chị vẫn chẳng làm được những gì chị đã tự nhủ với lòng chị sẽ giúp tụi e, bất lực hoàn toàn,
Và bây giờ chị nhận ra rằng, tụi em mới là người chị cần, tụi em mới là người giúp chị. Cảm ơn tụi e – thanh xuân của chị!
28.10.2023